Phân đội Máy bay không người lái Phản ứng nhanh (BOBR) thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm 23/11 công bố video tập kích đơn vị vận hành flycam tự sát của quân đội Ukraine. "Vị trí kíp lái đối phương được xác định nhờ chặn thu tín hiệu video truyền về từ phi cơ của chính họ",ấtthếtrênmặttrậntácchiếnđiệntửrio66 bet BOBR cho hay.
Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga ngày càng thể hiện ưu thế về tác chiến điện tử trong xung đột Ukraine, cũng như hàng loạt khó khăn mà Kiev đang đối mặt.
Phần lớn các gói viện trợ của Mỹ và đồng minh dành cho Ukraine đều tập trung vào những vũ khí như xe tăng thiết giáp, pháo tự hành, tên lửa dẫn đường chiến thuật và các tổ hợp phòng không. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây gần như chưa bao giờ đề cập đến phương án cải thiện điểm yếu của Kiev về tác chiến điện tử.
"Nga đã dành nguồn lực khổng lồ suốt nhiều năm qua để phát triển và chế tạo hàng loạt hệ thống tác chiến điện tử ấn tượng, nhằm đối phó học thuyết tác chiến kết nối mạng sâu rộng của NATO", Seth Jones, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny thừa nhận họ chỉ sở hữu một số tổ hợp tác chiến điện tử cũ kỹ từ thời Liên Xô, gần như lép vế trước Nga trong "mặt trận vô hình" này.
Sự chênh lệch đó không có nhiều tác động trong giai đoạn đầu chiến sự, do các đơn vị tác chiến điện tử Nga không bắt kịp với đà tiến của bộ binh, khiến họ thường xuyên bị máy bay không người lái (UAV) Ukraine tập kích. "Chúng chủ yếu được thiết kế để phòng thủ, nên khả năng cơ động kém và số lượng không nhiều", Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson ở Mỹ, nhận xét.
Nga dần rút được kinh nghiệm khi xung đột kéo dài. Thay vì sử dụng các khí tài cồng kềnh và dễ bị phát hiện, họ tăng cường triển khai các thiết bị nhỏ gọn, có khả năng cơ động và ẩn mình cao hơn. Phòng tuyến kiên cố được xây dựng trong nhiều tháng cũng cho phép quân đội Nga bố trí các khí tài gây nhiễu uy lực gần tiền tuyến, cho phép chúng phát huy tối đa uy lực.
Từ tháng 3, quân đội Ukraine phát hiện đạn pháo Excalibur cỡ 155 mm dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS) liên tục rơi trượt mục tiêu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với bom lượn tầm xa JDAM-ER và rocket GMLRS của pháo phản lực HIMARS.
Một số khu vực Nga kiểm soát giờ đây gần như miễn nhiễm với rocket GMLRS, khi phần lớn các quả đạn đều bị gây nhiễu hệ thống dẫn đường và không thể tới được mục tiêu đã định.
Điều đáng lo ngại hơn là tác chiến điện tử Nga ngày càng gây khó khăn cho những UAV cỡ nhỏ, giá rẻ được Ukraine dùng để trinh sát, liên lạc hoặc tập kích mục tiêu đối phương. Những UAV này thường bị chế áp tín hiệu định vị vệ tinh hoặc kênh điều khiển, dẫn tới tình trạng mất lái hoặc bay treo đến khi hết pin rồi lao xuống đất.
Trong cáo báo hồi tháng 5 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ba sĩ quan Ukraine giấu tên ước tính họ thiệt hại khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, chủ yếu do các hệ thống gây nhiễu của Nga. Quân đội Ukraine chưa có biện pháp nào nhằm tăng khả năng kháng nhiễu hoặc trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển UAV khi mất tín hiệu điều khiển.
Nga cũng nắm lợi thế về UAV được sử dụng. Các loại phi cơ trinh sát không ngừng quần thảo trên chiến trường, trong khi UAV tự sát từ cỡ nhỏ như flycam đến mẫu Lancet và Geran-2 liên tục tập kích mục tiêu. Binh sĩ Ukraine tham chiến ở hướng Bakhmut nói rằng số lượng UAV tiến công của họ chỉ bằng một nửa đối phương.
Ưu thế thiết bị bay không người lái của Nga bắt nguồn một phần từ mật độ tổ hợp tác chiến điện tử bố trí dọc tiền tuyến.
RUSI nhận định các đơn vị tác chiến điện tử Nga hiện được triển khai đến cấp trung đội, trong đó cứ 10 km phòng tuyến lại có một hệ thống chủ chốt, và liên tục thay đổi phương án hoạt động. Chúng thường nằm cách tiền tuyến khoảng 6 km và chịu trách nhiệm vô hiệu hóa UAV đối phương.
Một trong những hệ thống uy lực nhất được Nga triển khai ở Ukraine là đài gây nhiễu Shipovnik-Aero với khả năng tấn công hai UAV cùng lúc. Tổ hợp này có thể nhận diện mục tiêu và gây gián đoạn tín hiệu điều khiển, thậm chí giành quyền kiểm soát phi cơ chỉ trong 25 giây, đồng thời xác định tọa độ kíp vận hành UAV của đối phương với sai lệch chỉ một mét để chỉ điểm cho pháo binh.
Ukraine đang phải chật vật phát triển những hệ thống điện tử nội địa, trong bối cảnh thua kém nhiều so với Nga về trình độ công nghệ và tác chiến. Nước này đã đạt một số bước tiến, như triển khai hệ thống Pokrova chuyên chế áp và làm giả tín hiệu định vị vệ tinh để đánh lừa hệ thống dẫn đường đối phương.
Hệ thống tác chiến điện tử Pokrova có thể đạt hiệu quả cao khi đối phó với UAV tự sát dùng định vị vệ tinh như Geran-2, nhưng gần như không có tác dụng với tên lửa hành trình tầm xa trang bị hệ thống khớp viền địa hình hoặc so sánh ảnh quang học kỹ thuật số (DSMAC) như Kh-101 của Nga.
"Lỗ hổng lớn nhất là Mỹ và các đồng minh không sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến điện tử, điều sẽ khó thay đổi trong tương lai. Tác chiến điện tử nằm trong diện hạn chế chuyển giao công nghệ và Bộ Ngoại giao Mỹ kiểm soát rất nghiêm ngặt mọi hoạt động xuất khẩu liên quan", chuyên gia Jones nói.
Nico Lange, chuyên gia về Ukraine tại Hội thảo An ninh Munich, có cùng quan điểm và tỏ ý nghi ngờ rằng năng lực tác chiến điện tử của NATO đang thua kém cả Nga. "Tệ hơn nữa là phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dường như rất ngần ngại để lộ khả năng của mình, vì những thông tin như tần số hoạt động và kỹ thuật nhảy tần có thể bị Nga thu thập và chuyển cho Trung Quốc", ông nói.
Lange cho rằng cách hỗ trợ tốt nhất để phương Tây hỗ trợ Ukraine là triển khai UAV trinh sát tầm xa để thu thập dữ liệu về hoạt động gây nhiễu của Nga, sau đó phối hợp với Kiev nhằm xây dựng biện pháp đối phó. "Nếu không làm vậy, Ukraine sẽ phải tự mình đối mặt với những thách thức trên mặt trận tác chiến điện tử", ông nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Economist)